Sau khi nữ cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi làm nên lịch sử, giành chiếc HCĐ tại giải billiards carom 3 băng nữ thế giới, thì chính VĐV này chia sẻ trên trang cá nhân về cảm giác bị “bỏ rơi” vì không được Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) hỗ trợ bất kỳ khoản kinh phí nào.

Theo cơ thủ nữ này, cô tham gia giải chính thức với tư cách là đại diện cho Việt Nam với quyết định cử đi của VBSF. Bên cạnh đó, cô là thành viên (có đóng phí 500.000 đồng/năm) của VBSF nên dù ít hay nhiều thì cũng cần có được sự hỗ trợ từ Liên đoàn.

Lãnh đạo VBSF cũng đã có phản hồi, theo đó quyết định cử VĐV dự giải vô địch thế giới được ban hành từ đầu tháng 8 và có nêu rõ phần kinh phí do đơn vị chủ quản của VĐV (ở đây là Đà Nẵng) chi trả. Nói cách khác, VĐV đã biết trước việc sẽ không được Liên đoàn chi tiền. Ngoài ra, đoàn tham gia giải cũng có 1 HLV đi kèm, cùng 1 VĐV khác thuộc đơn vị Bà Rịa – Vũng Tàu.

Như vậy, không có ai sai trong chuyện này, nhưng có một sự thật đó là VĐV phải tự bỏ tiền túi để tham gia giải (theo như lời Yến Nhi). Số tiền này có được quyết toán sau đó hay không, thì chuyện cũng đã dở ngay từ lúc bắt đầu.

Đành rằng VĐV khi thi đấu theo tư cách đại diện quốc gia thì sẽ có nguồn kinh phí từ ngân sách phân bổ ở địa phương, hoặc tự túc chi phí nếu dự các giải thuộc hệ thống nhà nghề (có tiền thưởng) theo tư cách cá nhân, nhưng nếu Liên đoàn có được nguồn ngân sách để hỗ trợ thì mọi chuyện sẽ trở nên hợp lý hơn.

Bài viết liên quan đến quản lý nhà nước

Không ai sai, nhưng chuyện nhỏ sao lại thành to? - Ảnh 1.

Không ai sai, nhưng tại sao chuyện nhỏ lại thành to? Cơ bản là vì Liên đoàn không có tiền, nên việc duy nhất họ làm đó là ban hành một văn bản cử đội tham gia. Trong khi đó, nếu VĐV có thành tích tốt thì bản thân Liên đoàn cũng hưởng lợi. Trước hết là uy tín với các tổ chức quốc tế cấp trên, kế đến là sẽ thuận lợi trong việc vận động tài trợ, tổ chức sự kiện có doanh thu. Nghĩa là việc tìm nguồn ngân sách bổ sung cho VĐV dự giải quốc tế cũng là một hoạt động “đầu tư” của Liên đoàn.

Lý do là bởi nói cho cùng, đơn thuần chuyện giấy tờ, chuyên môn thì trước đây vẫn có bộ phận chuyên môn của cơ quan quản lý Nhà nước làm rồi. Cũng chỉ vì chức năng của các cơ quan chuyên môn này quá hẹp, nên mới cần sự ra đời của các Liên đoàn/Hiệp hội để vừa mở rộng chức năng, vừa có cơ sở pháp lý để thực hiện công tác tạo nguồn tài chính thông qua xã hội hóa.

Nói cách khác, việc quan trọng nhất của các tổ chức VBSF là trở thành “bà đỡ” cho sự phát triển phòng trào và các tài năng trong môn thể thao của mình. Không làm được việc đó, ý nghĩa của những tổ chức xã hội không còn. Ví dụ như khi VBSF giao việc chuẩn bị kinh phí cho đơn vị chủ quản của Yến Nhi thì cũng tương đương việc tự chối bỏ vai trò của mình.

Ai cũng biết tìm tiền cho thể thao không dễ. Cũng chẳng phải Liên đoàn/Hiệp hội nào cũng làm được việc như bóng đá hay bóng chuyền, golf …Nhưng như đã nói, sự ra đời của các Liên đoàn/Hiệp hội xuất phát từ thực tế khách quan hoặc nhu cầu xã hội, ví dụ như môn thể thao của họ có số lượng người chơi lớn, có nhiều VĐV giỏi, có sự ủng hộ rộng rãi từ xã hội nên cần một đơn vị độc lập và có tính pháp lý để quản lý và điều hành. Với những ưu thế như vậy, lẽ ra Liên đoàn/Hiệp hội phải làm tốt hơn chứ không chỉ là thu tiền phí để tổ chức giải hay soạn văn bản.

Dù hiểu theo kiểu nào, lý do gì, thì để một VĐV tài năng vừa có huy chương thế giới phải than thở chuyện kinh phí thi đấu cũng chẳng thể nào xem là chuyện nhỏ, trình bày giải thích là xong.

XEM THÔNG TIN THỂ THAO TẠI ĐÂY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tắt [X]